Bột ngọt là gia vị quen thuộc đối với người Việt nói riêng và người Châu Á nói chung. Bạn có bao giờ thắc mắc bột ngọt có tác dụng gì và những lời đồn về tác hại của bột ngọt như ép tim, hại não, trẻ con không nên dùng bột ngọt. Liêu thật sự có đúng?
Sơ lược về bột ngọt
Bột ngọt được sản xuất bằng phương pháp lên men tự nhiên từ nguyên liệu có nguồn gốc nông nghiệp: khoai, mì, sắn…
Được phát minh năm 1909, mì chính (bột ngọt) là một gia vị chế biến món ăn quen thuộc trong các gia đình. Chức năng của bột ngọt là mang lại vị umami- vị ngọt tương tự như vị ngọt thịt.
Thành phần chính của bột ngọt là glutamate (axit glutamic). Đây là một axit amin cấu thành nên chất đạm chiếm 10% hàm lượng axit amin từ protein ăn hàng ngày. Ngoài bột ngọt, axit amin còn tồn tại trong các loại thực phẩm khác như thịt, sữa, hải sản, rau củ quả, các loại nước chấm lên men. Sử dụng bột ngọt giúp tăng glutamic, tăng umami giúp món ăn ngon hơn.
Hàm lượng sử dụng mỗi ngày
Hàm lượng dùng mỗi ngày thế nào là hợp lý (ảnh minh họa)
Các tổ chức y tế- sức khỏe uy tín đã có nhiều nghiên cứu và kết luận về tính an toàn của bột ngọt. Ủy ban Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm (JECFA) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương nông Liên hợp Quốc (FAO), Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng Châu Âu (EC/SCF) đã kết luận bột ngọt là gia vị an toàn cho sức khỏe người sử dụng ở mọi lứa tuổi. Và không có mức giới hạn cho lượng dùng mỗi ngày, liều lượng tùy thuộc vào khẩu vị của từng người.
Năm 2001, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm của Mỹ (FDA) kết luận bột ngọt an toàn cho mục đích sử dụng tương tự các gia vị khác.
Ảnh hưởng của bột ngọt đến sức khỏe
Bột ngọt có ảnh hưởng đến não, làm suy giảm trí nhớ không?
Não của bạn có một hàng rào gọi là hàng rào máu ngăn những chất không cần thiết di chuyển vào não. Và glutamate cũng nằm trong danh sách đó. Do đó, não người không bị ảnh hưởng bởi glutamate.
Vậy trẻ em và bột ngọt thì thế nào?
Có nên thêm bột ngọt vào thức ăn của trẻ? (ảnh minh họa)
Thông thường, chúng ta rất sợ cho bé ăn món ăn ngoài vì sợ họ nêm quá nhiều bột ngọt vào thức ăn.
Theo JECFA, quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau và không có mối nguy nào đối với trẻ em khi sử dụng bột ngọt. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh bột ngọt không ảnh hưởng đến trẻ em ở tất cả các giai đoạn phát triển của trẻ (giai đoạn bào thai, giai đoạn bú sữa mẹ, giai đoạn sau cai sữa). Do vậy, có thể sử dụng bột ngọt trong chế biến món ăn cho trẻ em, cần lưu ý rằng bột ngọt chỉ là một loại gia vị, sử dụng như một phụ gia không nên sử dụng để thay thế các chất dinh dưỡng từ thực phẩm.
Cần biết rằng sữa mẹ có hàm lượng glutamate dồi dào (264 mg/100g sữa mẹ), nên một cách tự nhiên, trẻ đã hấp thụ glutamate thông qua sữa mẹ ngay từ những năm tháng đầu đời. Glutamate không phải là thành phần xa lạ với cơ thể của trẻ em.
Các nước tiên tiến sử dụng bột ngọt như thế nào?
Hiện nay, bột ngọt được sử dụng tại hơn 100 quốc gia từ Châu Á, Châu Mỹ và Châu Phi… Mỗi nền văn hóa ẩm thực khác nhau sử dụng bột ngọt theo cách riêng. Ví dụ, tại Châu Mỹ nền công nghiệp thức ăn nhanh phát triển mạnh nên bột ngọt thường được phối trộn vào các gia vị tổng hợp không dùng trực tiếp.
Sau bài đọc trên hy vọng bạn có thêm thông tin về gia vị quen thuộc hiểu đúng để có cách dùng hiệu quả.
Nguồn: Afamily